Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2022 (IMF)

avatar1650936515210 1650936515441744753949

[Theo nhịp sống tế] Ngày 25/4, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, đã có bài phát biểu về ổn định tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 và triển vọng kinh tế năm 2022 tại buổi công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Đại học Kinh tế quốc dân.

 

Tình hình chung trên thế giới

Nói về ảnh hưởng của biến chủng Omicron, ông Painchaud cho biết, biến chủng này hiện là biến chủng Covid-19 chủ yếu ở nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam theo đúng dự báo của IMF vào tháng 1/2022. Trong khi nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam đã coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu thì ở Trung Quốc, một số biện pháp chống dịch vẫn còn rất nặng nề và chặt chẽ. Điều này có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam vì Trung Quốc là 1 thị trường xuất khẩu lớn, và cũng là 1 thị trường nhập khẩu những nguyên phụ liệu trung gian cho quá trình sản xuất ở nước ta.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine dẫn tới việc hàng hóa, lương thực, nguyên liệu tăng giá. Do đó, lạm phát ở nhiều quốc gia tăng lên vì sự tăng mạnh về giá cả hàng hóa cũng như câu chuyện Covid-19 làm ảnh hưởng tới nguồn cung. IMF đánh giá hệ lụy của tăng giá có thể sẽ kéo dài đến 2023. Lạm phát ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ càng tăng cao hơn so với mức dự báo của IMF. Ông Painchaud cho hay, ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu, lạm phát tăng chóng mặt, ở mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.

Đây cũng là 2 lý do chính mà gần đây IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới cũng như nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam so với bản dự báo vào tháng 1/2022.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022

Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại với độ phủ vaccine rất cao và các chính sách phục hồi kinh tế rất kịp thời. Ông Painchaud đánh giá cao các biện pháp hỗ trợ phục hồi tính đến thời điểm hiện tại. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có những thành công trong việc ổn định tài khóa, kinh tế đối ngoại và thị trường tài chính.

Về thị trường lao động, IMF đánh giá nhóm lao động trẻ và nhóm lao động không có kỹ năng là 2 nhóm đang chịu nhiều thiệt thòi. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi lực lượng lao động lại có sự suy giảm so với thời gian trước. Theo ông Painchaud, các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng rất mạnh từ Covid-19 nhưng các doanh nghiệp lớn hơn vẫn có khả năng phục hồi. Điều này có thể dẫn tới sự gia tăng sự bất bình đẳng giữa các nhóm này.

Nói về sự ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine tới Việt Nam, ông Painchaud cho rằng, thông qua nhiều kênh khác nhau, cuộc xung đột này ảnh hưởng tới Việt Nam bao gồm tăng giá cả hàng hóa, tăng lạm phát, hoạt động kết nối thương mại tài chính, giảm nhu cầu từ khu vực đối ngoại và sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đó, những yếu tố này có thể tác động xấu tới nền kinh tế Việt Nam.

Trên cơ sở đó, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023. Tỷ lệ lạm phát năm 2022 của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 3,9%, rất gần với mục tiêu kiểm soát được đặt ra trước đó là 4%.

Khuyến nghị chính sách

Trong ngắn hạn, IMF khuyến nghị việc thiết lập chính sách phải nhanh chóng và linh hoạt. Chính sách tài khóa cần được hỗ trợ để điều phối cho sự chuyển đổi của nền kinh tế.

Ông Painchaud khuyến nghị: “Hiện tại chính sách tiền tệ đang thể hiện khả năng hỗ trợ nhất định tuy nhiên bị giới hạn trong tương lai, rõ ràng NHNN cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ so với mục tiêu ban đầu. Do đó, chính sách tài khoá phải đi đầu, kết hợp với chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp trong tương lai”.

Trong trung hạn, IMF khuyến nghị nên xây dựng lại vùng đệm tài khóa và huy động doanh thu, tăng cường an sinh xã hội, tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.

5/5 - (6 votes)
All in one