Thị trường VLXD – Chờ “lực đẩy” từ các chính sách điều hành

Vừa bước qua quý 1, bức tranh thị trường VLXD năm 2024 mới chỉ là những nét mờ chưa định hình. Ngoài các yếu tố tác động chung của thị trường, thì rất cần những “lực đẩy” từ các chính sách điều hành vĩ mô có tính ổn định và quyết liệt hơn.

Mặc dù thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) còn khá yếu, nhưng giá VLXD trong quý 1/2024 liên tục biến động, thậm chí tăng cao làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đồng thời việc giá VLXD không ổn định cũng gây tổn thất cho các DN ngành Xây dựng. Đây là những diễn biến mà các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh VLXD cần đặc biệt lưu tâm để có những đối sách trước các diễn biến phức tạp của thị trường.

Nhiều yếu tố kìm hãm sự phục hồi

Với thép xây dựng, giá có xu hướng tăng, giảm đan xen, nhưng chủ yếu là giảm do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế,.. cùng chung xu hướng giảm với thế giới.

Nếu như trong quý 1/2023, giá thép liên tục điều chỉnh tăng tới 6 lần liên tiếp, mức giá dao động phổ biến hơn 17 triệu đồng/tấn, thì quý I năm nay, giá thép chỉ điều chỉnh tăng 2 lần trong tháng đầu năm, sau đó, quay đầu giảm tới 3 lần liên tiếp trong tháng 3 và hiện giá đang dao động mức phổ biến 14,1 – 15,3 triệu đồng/tấn.

Có thể thấy, từ đầu quý 1/2024, các chi phí tài chính và tỷ giá USD tăng khá cao, nhưng do giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép đang trong xu hướng giảm, cộng với nhu cầu tiêu thụ thép còn khá thấp nên các nhà máy buộc phải điều chỉnh giảm giá bán để đẩy bớt lượng hàng tồn kho, nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.

Hiện tại, với những khó khăn nội tại của ngành thép do nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp, cộng thêm sức ép từ thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, khiến nhiều DN sản xuất thép thêm áp lực.

xuat khau thep 04042024075817 136
Thị trường tiêu thụ thép nội địa vẫn chưa mấy khởi sắc, nhưng thị trường xuất khẩu thép lại có nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm tới gần 70% tỷ trọng, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Con số này tăng đột biến so với 2 tháng đầu năm 2023, gấp 3 lần về lượng và 2,3 lần giá trị.

Tuy thị trường tiêu thụ thép nội địa vẫn chưa mấy khởi sắc, nhưng thị trường xuất khẩu thép lại có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thép các loại trong tháng 02/2024 của Việt Nam đạt 996 triệu tấn, giảm 14,2% về lượng và 8,9% về trị giá so với tháng trước; nhưng tăng 25% về lượng và 24,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép các loại đạt 2,15 triệu tấn, với trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 50,8% về lượng và tăng 51,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

EU là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, chiếm 27,1% tổng lượng, đạt 633.789 tấn, với trị giá 425 triệu USD, tăng 2,2 lần cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với ngành xi măng, nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Các công trình, dự án chậm triển khai, thậm chí phải giãn tiến độ. Bên cạnh đó, nguồn cung vượt xa cầu làm cạnh tranh thị trường nội địa ngày càng gay gắt.

Giá xi măng vẫn chững lại ở mức khá cao, đồng thời có diễn biến phân hóa tại từng khu vực, vùng miền. Tại khu vực phía Nam đang đạt ở mức tương đối cao, khoảng hơn 1,7 triệu đồng/tấn; tại miền Bắc dao động khoảng 1,3 – 1,6 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.

Giá xi măng trong nước tăng hay giảm phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên vật liệu đầu vào. Việc sản xuất xi măng còn phải nhập khẩu 2/3 lượng than để dùng sản xuất. Do đó, giá thành xi măng tại Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào giá than trên thị trường quốc tế, nên việc cân đối, điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất của DN cũng nằm trong lộ trình được tính toán kỹ.

Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, mức tiêu thụ xi măng trong quý 1/2024 sẽ ở mức thấp do ảnh hưởng của dịp nghỉ tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn yếu. Tuy nhiên, kể từ quý 2/2024, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi.

Nếu như thép, xi măng và nhiều loại VLXD khác đang khó khăn khi nguồn cung vượt cầu thì cát, đất đắp lại trong tình trạng khan hiếm do thiếu nguồn cung.

Nguồn cung cát khan hiếm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên cả nước, đặc biệt là ở khuc vực ĐBSCL và TP.HCM.

Trong thời điểm quý 1, mức giá cát dao động từ 285.000 – 465.000 đồng/m3 tùy loại. Trong đó, cát dùng để san lấp không chỉ khan hiếm mà giá còn tăng vọt từ 190.000/m3 lên 285.000/m3 chưa kể thuế GTGT.

So với thời điểm tháng 10/2023, giá cát san lấp cùng loại tiêu chuẩn tăng gần 50%. Việc làm sao đủ được nguồn cung cát đắp cho khu vực ĐBSCL và giá thành giảm là một bài toán còn nan giải.

Theo khảo sát thời gian vừa qua, nhiều DN phản ánh, vấn đề thiếu cát và giá liên tục tăng cao luôn là nỗi lo lớn. Mặt khác, do thiếu nguồn cung nên nhiều chủ dự án buộc phải nhập cát từ Campuchia về để đảm bảo tiến độ cho dự án, với phương án này cũng gia tăng chi phí của các DN.

Dù giai đoạn vừa qua, việc thí điểm sử dụng cát biển thay thế cát tự nhiên để san lấp cho nhiều kết quả khả thi và Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế tổ chức triển khai thí điểm mở rộng để sử dụng cát biển cho dự án xây dựng công trình giao thông, nhằm gỡ khó cho nguồn vật liệu này. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cát và những hệ lụy của nó vẫn là một bài toán nan giải hiện nay.

Ngành gốm sứ xây dựng, gạch ốp lát sử dụng chủ yếu cho các công trình nhà ở, công trình xây dựng dân dụng… khi thị trường BĐS gặp khó khăn, những sản phẩm này cũng khó khăn trong việc tiêu thu. Hiện một phần sản lượng tiêu thụ của nhóm này trông đợi vào việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà dân. Nhưng lượng sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Nhìn chung, trong quý 1/2024 thị trường tiêu thụ VLXD còn khá ảm đạm do tình hình BĐS vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng. Ngoài ra, giá VLXD cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thị trường nên có diễn biến phức tạp, tăng, giảm đan xen, gây khó khăn, tổn thất cho các DN xây dựng cũng như nhà kinh doanh trong lĩnh vực này.

Kỳ vọng “lực đẩy” từ các chính sách để thị trường VLXD khởi sắc hơn

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thử thách khó lường như hiện nay thì việc tăng cường giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm là động lực quan trọng để có thể vực dậy thị trường BĐS và VLXD.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2024, tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và đạt những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được đảm bảo; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo TS Thái Duy Sâm –  Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam, để tháo nút thắt đầu ra của ngành VLXD, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa sống còn, đặc biệt là tập trung gỡ khó cho thị trường BĐS và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Nhìn lại quý 1/2024, tình hình thị trường BĐS đã có sự phục hồi, nhưng các chỉ số cho thấy mức độ còn khá chậm, do đó bức tranh tiêu thụ VLXD chưa thể khởi sắc như kỳ vọng. Các chuyên gia dự báo, hết quý 2, thị trường VLXD mới có triển vọng phục hồi. Nhưng ngay cả những nhận định lạc quan nhất cũng chưa chắc chắn cho điều này bởi tâm lý chờ đợi từ các chính sách vĩ mô và độ trễ của chính sách sau khi có hiệu lực.

Trên thực tế, thị trường BĐS đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nhiều dự án mới đã khởi công xây dựng, các dự án cũ thi công trở lại. Đây sẽ là điều kiện và cơ hội hết sức thuận lợi để DN VLXD, BĐS, xây dựng, trang trí nội ngoại thất thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế – xã hội cả nước.

Những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, mở rộng xây dựng, hoàn thiện các đường vành đai sẽ giúp cho ngành sản xuất và tiêu thụ VLXD phục hồi trở lại.

Ngoài ra, việc Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường… cũng sẽ giúp tăng tỉ lệ tiêu thụ thép, xi măng.

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030 cũng là yếu tố tác động thúc đẩy cho thị trường VLXD trong năm 2024.

z5313975369771 b3e4004371c6f6f006b0000cd5e583d3 04042024100048 136
Thị trường BĐS đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, thông tin Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội thông qua… có thể sẽ sớm có hiệu lực, cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư… đang được khẩn trương hoàn thiện, thông qua và ban hành sẽ là lực đẩy tháo gỡ khó khăn, có tác động tích cực đến đến sự phục hồi và tăng trưởng đối với ngành sản xuất VLXD.

Ngoài những yếu tố khách quan tác động, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN VLXD cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, các DN cần lưu ý đến vấn đề môi trường như giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn… Đồng thời linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả khảo sát DN VLXD vừa qua của Vietnam Report cho thấy, năm 2023, có 5 động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh gồm: “Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (92,3%)”; “Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (61,5%)”; “Phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh (53,8%)”; “Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (46,2%)”; “Sẵn đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (46,2%)”. Top 5 động lực lớn nhất đều thuộc yếu tố bên trong DN.

Trong số 3 động lực bên ngoài, đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện trở thành động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong 12 tháng tới với tỷ lệ 65,0% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

Vừa bước qua quý 1, bức tranh thị trường VLXD năm 2024 mới chỉ là những nét mờ chưa định hình. Ngoài các yếu tố tác động chung của thị trường, thì rất cần những “lực đẩy” từ các chính sách điều hành vĩ mô có tính ổn định và quyết liệt hơn. Tuy nhiên, nhu cầu VLXD từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung VLXD. Vì vậy, theo Vietnam Report, DN cần mở rộng thị trường nội địa và tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay

Thông tin Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội thông qua… có thể sẽ sớm có hiệu lực, cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư… đang được khẩn trương hoàn thiện, thông qua và ban hành đang được kỳ vọng sẽ là “lực đẩy” tháo gỡ khó khăn, có tác động tích cực đến đến sự phục hồi và tăng trưởng đối với ngành sản xuất VLXD.

Tạp Chí Điện Tử Của Bộ Xây Dựng | Thu Thảo | 05/04/2024

4.3/5 - (6 votes)
All in one