Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, 5 thành phố dự kiến có tổng nguồn vốn đầu tư công cao nhất cả nước hầu hết đều nằm ở các tỉnh thành lớn.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, các tỉnh thành lên kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Theo Sở kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội là thành phố có kế hoạch đầu tư công trung hạn dẫn đầu cả nước, thứ hai là TP. Hồ Chí Minh, thứ ba là Hải Phòng, sau đó là Đồng Nai và Bình Dương.
Các tỉnh thành thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kế hoạch đầu tư công trung hạn đều là những tỉnh thành có phát triển kinh tế ở mức tốt. Đặc biệt, thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trung tâm kinh tế lớn, đa dạng hàng đầu và là đầu mối giao thông quan trọng.
Theo báo cáo về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Hà Nội, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn này của toàn thành phố là hơn 304.799,7 tỷ đồng (giảm 272,9 tỷ đồng từ nguồn ODA cấp phát). Trong đó, đầu tư công trung hạn ngân sách cấp thành phố là hơn 218.962 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Trong kế hoạch, Hà Nội sẽ tập trung vào các dự án giao thông quan trọng như: Tuyến Metro số 3 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai; dự án đường vành đai 4 đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 và dự án đường vành đai 2,5 tuyến đường bổ trợ, kết nối vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây – Nguyễn Văn Huyên – Trung Kính – Đầm Hồng – Kim Đồng – Lĩnh Nam.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, thành phố dự kiến sẽ đầu tư 156.557 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 142.557 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước là 14.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào một số dự án trọng điểm như: Dự án phát triển giao thông xanh TP HCM; dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi Tẻ (giai đoạn 2); dự án xây dựng đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM (Bến Thành – Tham Lương).
Cùng với 2 thành phố lớn, Hải Phòng cũng đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của thành phố khoảng 95.032 tỷ đồng.
Đây là nguồn vốn dồi dào góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Hải Phòng sẽ dành phần lớn số vốn đầu tư công để thực hiện các dự án lớn như: Đường vành đai 2, đường vành đai 3, trung tâm hành chính – chính trị thành phố, các nút giao thông quan trọng,…
Tại Đồng Nai, theo kế hoạch, tỉnh dự kiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 71.979 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương khoảng 60.694 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 11.284 tỷ đồng.
Với số vốn đầu tư này, Đồng Nai dự kiến khởi công mới 58 dự án, chủ yếu là hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021-2025 bên cạnh 27 dự án hạ tầng chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020. Một số các dự án đáng chú ý là: Dự án Đường liên cảng huyện Nhơn Trạch giai đoạn 1 khoảng 2.961 tỷ đồng; dự án Xây dựng trục trung tâm TP Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn 1.985 tỷ đồng,…
Tại Bình Dương, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là 69.562 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho 453 dự án, trung bình bố trí 152 tỷ đồng/dự án. Một số công trình trọng điểm kết nối hạ tầng vùng đã được tỉnh bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như: Đường trục chính Đông – Tây thành phố Dĩ An (660 tỷ đồng), Đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (1.700 tỷ đồng); Hầm chui ngã 5 Phước Kiến (400 tỷ đồng); Hầm chui nút giao Chợ Đình (360 tỷ đồng); cầu kết nối Bình Dương – Tây Ninh (120 tỷ đồng).
Tạp chí doanh nghiệp và tiếp thị | Minh Tiến | 18/02/2022